Chủ nhật, Ngày 22/12/2024 Tìm kiếm:  
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 2736178
Số người trực tuyến:78
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 12 Năm 2024
Sở Nội vụ thực hiện
163.447
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 12 Năm 2024
Sở Nội vụ thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(98.2 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết: 227 hồ sơ)

CHUYỂN ĐỔI SỐ
Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động lưu trữ
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, Luật Lưu trữ (sửa đổi) lần này có nhiều quy định để thúc đẩy chuyển đổi số đối với hoạt động lưu trữ, thúc đẩy xã hội hóa với mục tiêu xây dựng “một xã hội lưu trữ, một quốc gia lưu trữ”.
 

Chiều 10/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), nhiều đại biểu tán thành với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác lưu trữ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế.

 
Khuyến khích tối đa hoạt động lưu trữ tư
 
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu thực tế hiện nay, việc đầu tư kinh phí cho công tác lưu trữ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Chính phủ đang rất quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.
 
Tài liệu lưu trữ đã được xác định có vai trò rất quan trọng, chứa đựng nguồn thông tin về quá khứ, có độ chính xác cao và có giá trị đặc biệt, góp phần vào việc xây dựng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên, tài liệu còn tồn đọng, chưa được phân loại, chỉnh lý còn rất nhiều.
 
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước)
 
Vì vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định về nguồn lực đầu tư đối với công tác lưu trữ các cấp, phục vụ cho việc chỉnh lý, số hóa phần mềm, trang thiết bị bảo quản tài liệu, kho lưu trữ.
 
Để đảm bảo tính phù hợp, thuận lợi trong tổ chức thực hiện, tránh chồng chéo, xung đột, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự luật để đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan như Luật Di sản văn hóa, Luật Tiếp cận thông tin và một số dự án luật khác như Luật Kế toán, Luật Công chứng…
 
Đại biểu cũng quan tâm đến quy định các tổ chức, cá nhân cùng với Nhà nước sẽ thực hiện lưu trữ nhằm phát huy giá trị tài liệu trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy bà Ngọc đề nghị rà soát để đảm bảo khuyến khích lưu trữ tư. Cạnh đó, quản lý nhà nước về lưu trữ tư cũng phải có đặc thù hơn so với lưu trữ công.
 
Nhắc đến Điều 45 quy định Nhà nước hỗ trợ hoạt động lưu trữ, đại biểu tỉnh Hòa Bình cho rằng cần bổ sung một số quy định theo hướng khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư.
 
Trong một số trường hợp, có thể hỗ trợ về tài chính đối với các đơn vị lưu trữ tư để tạo điều kiện cho các đơn vị phát huy được tính chủ động đối với những nguồn tài liệu quý giá. Đồng thời, khuyến khích các lưu trữ tư tham gia cùng Nhà nước thực hiện hoạt động lưu trữ, huy động tối đa các tài liệu từ các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong lưu trữ tài liệu quý giá một cách đầy đủ.
 
Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, cần quy định rõ hơn về thủ tục đăng ký, ký gửi, hiến tặng, mua bán tài liệu lưu trữ, có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời đối với cá nhân, tổ chức trong hiến tặng tài liệu lưu trữ cho Nhà nước, tạo thuận lợi cho tổ chức thực hiện.
 
Vì vậy đại biểu đề nghị Nhà nước có những chính sách, hành lang pháp lý đặc thù để làm sao khuyến khích được tối đa hoạt động của lưu trữ tư. Có như vậy, lưu trữ mới đạt được chất lượng, phát huy tối đa giá trị của các nguồn dữ liệu.
 
Còn nếu quy định quá cứng, trong quá trình phối hợp với Nhà nước để phát huy hiệu quả giá trị của lưu trữ tư sẽ bị ảnh hưởng.
 
"Xây dựng một xã hội lưu trữ, một quốc gia lưu trữ"
 
Ở góc độ cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Luật Lưu trữ là luật chuyên ngành, nhưng có ý nghĩa chính trị, lịch sử, khoa học, văn hóa rất rõ. Theo Bộ trưởng Nội vụ, tài liệu lưu trữ không những là tài sản quốc gia mà còn là tài nguyên rất phong phú, đa dạng về thông tin để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
 
 
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
 
 “Đây là lần sửa toàn diện nhất đối với luật này. Chúng tôi cân nhắc suy nghĩ, lựa chọn rất kỹ lưỡng để làm sao đảm bảo được chất lượng tốt nhất. Luật này liên thông với rất nhiều luật, cho nên phải rà soát để làm sao đảm bảo đồng bộ, thống nhất, không bị chồng chéo, xung đột lẫn nhau”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
 
Bà cũng cho biết, cơ quan soạn thảo quan tâm sửa đổi các quy định để thúc đẩy chuyển đổi số đối với hoạt động lưu trữ, thúc đẩy xã hội hóa với mục tiêu xây dựng “một xã hội lưu trữ, một quốc gia lưu trữ”, thúc đẩy lưu trữ tư.
 
Trước đây, quan niệm lưu trữ chủ yếu là để bảo quản nhưng giờ đây, sứ mệnh của tài liệu lưu trữ là phải làm sao phát huy được giá trị tài liệu, phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Đây là một vấn đề rất mới, trong thiết kế dự thảo Luật rất chú trọng.
 
Đẩy mạnh lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số
 
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lưu trữ, đổi mới hoạt động quản lý, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.
 
Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo luật quy định rõ các loại tài liệu lưu trữ điện tử; bản số hóa tài liệu lưu trữ; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ số; thu thập, bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ số và hủy tài liệu lưu trữ số hết giá trị; kho lưu trữ số; lưu trữ tài liệu lưu trữ điện tử khác.
 
Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với các quy định của dự thảo Luật về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng, xác định rõ lộ trình thực hiện, nguồn lực và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện các quy định liên quan đến lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số để bảo đảm tính khả thi…
 
Dự thảo Luật gồm 9 chương, 68 điều (tăng 2 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011).
 
Nguồn: vietnamnet.vn

+A =A -A


Đánh giá cho bài viết này: Chưa có lượt đánh giá nào


 CÁC TIN KHÁC
VĂN BẢN MỚI
THĂM DÒ Ý KIẾN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nội vụ đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ SỞ NỘI VỤ NINH BÌNH
Chịu trách nhiệm chính: Bà Phạm Thị Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ
Địa chỉ: Km số 2, đường Trần Hưng Đạo, phường Đông Thành,
thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.
Điện thoại: 02293.871.155; Fax: 02293.876.714; Email: snv@ninhbinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang